Giá thành hạ, chi phí lắp đặt không cao, không sử dụng bất cứ một hóa chất nào là những ưu điểm của phương pháp xử lý nước thải tuần hoàn tự nhiên mà các nhà khoa học thuộc Trung tâm bảo vệ Môi trường và An toàn hóa chất (Viện Hóa học Công nghiệp) mới triển khai thành công tại Hà Nội.
Trong tương lai, phương pháp này sẽ được ứng dụng trong việc xử lý nước thải tại các hồ của thủ đô.
Năm 2004 đã đánh dấu một sự kiện quan trọng khi Trung tâm bảo vệ Môi trường và An toàn hóa chất, Trung tâm quốc tế Chuyển giao công nghệ môi trường và Công ty Toyo Denka (Nhật Bản) đưa hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp tuần hoàn tự nhiên (NCSWT) có công suất tối đa 60 m3/ngày đêm vận hành thành công tại Cầu Diễn. Nguyên tắc của hệ thống dựa trên hoạt động của các vi sinh vật có sẵn trong tự nhiên để phân hủy các hợp chất hữu cơ làm sạch nước thải. Chính vì thế, hầu hết các vật liệu sử dụng trong hệ thống đều có nguồn gốc tự nhiên và trong quá trình vận hành không sử dụng đến hóa chất. Hệ thống có thể xử lý với hiệu quả cao các chất ô nhiễm hữu cơ dễ phân hủy, hợp chất ni-tơ, phốt-pho, các chất hoạt động bề mặt, vi khuẩn, các chất rắn lơ lửng, mầu và mùi có trong nước thải. Ðiều đó cho thấy công nghệ này rất phù hợp cho xử lý nước thải sinh hoạt và một số loại nước thải công nghiệp.
Theo số liệu phân tích, hiệu quả xử lý trung bình một số chất sau quá trình xử lý tại Cầu Diễn cho thấy, các chỉ số môi trường nước tương đương với hệ thống đang vận hành tại Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản. NCSWT có chi phí xử lý nước thải thấp hơn so một số công nghệ đang vận hành. Nếu như hệ thống xử lý nước thải tại thành phố Việt Trì (Phú Thọ), Công ty bánh kẹo Tràng An, Khu công nghiệp Biên Hòa II đều có giá thành hơn 4.000 đồng/m3 thì với NCSWT, giá thành chỉ vào khoảng 1.200 đến 1.400 đồng/m3 và vẫn cho chất lượng nước sau xử lý đạt loại A. Bên cạnh đó, do NCSWT không sử dụng hóa chất trong quá trình xử lý và có chi phí đầu tư xây lắp thấp, chi phí bảo dưỡng hệ thống rất nhỏ (khoảng 10 đến 15 năm mới phải thay thế vật liệu xử lý), chi phí vận hành về cơ bản là chi phí năng lượng cho quá trình thổi khí cho nên công nghệ NCSWT là khá phù hợp hoàn cảnh Việt Nam.
Từ kết quả thử nghiệm thành công, nhóm các cán bộ nghiên cứu đã đề xuất phương án áp dụng NCSWT làm sạch nước sông, hồ bị ô nhiễm tại Hà Nội. Trước mắt, Trung tâm Môi trường và An toàn hóa chất đề xuất ba phương án xử lý dòng sông Tô Lịch - nơi tiếp nhận nước thải sinh hoạt đô thị từ các cụm dân cư, nước thải từ các cơ sở sản xuất. Và trong tương lai, hệ thống NCSWT sẽ góp phần làm sạch nước các dòng sông, hồ, góp phần cải thiện chất lượng các nguồn nước mặt, làm đẹp hơn cảnh quan và môi trường sống của người dân thành thị và nông thôn Việt Nam.