"Các nhà khoa học cảnh báo, nếu quá lạm dụng nước tinh khiết sẽ dẫn đến việc tình trạng cơ thể thường xuyên mệt mỏi, mất trí nhớ, thậm chí là ngớ ngẩn" - phóng viên chúng tôi đã ghi lại ý kiến của TS Trần Hữu Hoan, nguyên Giám đốc Trung tâm Phân tích - Môi trường, Viện Hóa học - Công nghiệp Việt Nam.
Tinh khiết = hết vi khuẩn, hết cả khoáng chất
TS Trần Hữu Hoan cho biết, nước tinh khiết thực chất là nước thông thường (nước giếng khoan hoặc nước máy) được làm sạch bằng công nghệ lọc qua màng (RO).
Điều đặc biệt là quá trình lọc này sẽ giúp loại bỏ toàn bộ các chất độc hại có trong nước như vi khuẩn, asen, sắt… nhưng đồng thời cũng loại bỏ đi tất cả các khoáng chất có lợi cho cơ thể. Hiểu nôm na, nước tinh khiết là loại nước trơ không có bất kỳ một chất gì, dù là chất có hại hay có lợi cho cơ thể.
PGS.TS. Trần Hồng Côn, Khoa Hóa ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội cũng cùng nhận định này. Ông cho biết có thể phân biệt nước khoáng với nước tinh khiết: Nước tinh khiết uống có vị ngọt còn nước khoáng thì thường hơi mặn.
Không nên uống thường xuyên
TS Hoan cho rằng, không nên quá lạm dụng nước tinh khiết trong sinh hoạt hàng ngày. Do nước tinh khiết đã lọc hết cả các khoáng chất, những chất có lợi cho cơ thể, nên nếu sử dụng nước tinh khiết hàng ngày và trong một thời gian dài sẽ khiến sẽ khiến cơ thể thiếu một số khoáng chất cần thiết, dẫn đến bị mắc các bệnh thiếu vi chất.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, nếu cơ thể không được bổ sung đầy đủ các khoáng chất có thể dẫn đến mệt mỏi, ngất xỉu, tê dại chân tay, dẫn đến các bệnh như ngất xỉu, tê dại chân tay…
Điều nguy hiểm là rất khó đoán biết được nguyên nhân gây ra các bệnh này - PGS.TS Trần Hồng Côn cảnh báo. Đã có nhiều người dân do quá cảnh giác với thông tin nước bị ô nhiễm nên chuyển sang sử dụng hoàn toàn bằng nước tinh khiết.
Sau hơn 1 năm sử dụng, việc thiếu vi chất sẽ xuất hiện. Điều quan trọng là rất khó xác định dấu hiệu. Ví dụ như: Thiếu asen có thể gây ngớ ngẩn; thiếu coban gây khó khăn trong chuyển hóa B12, cơ nhũn, người mệt mỏi...
Đặc biệt với trẻ em, có quá trình phát triển nhanh và cần cung cấp đầy đủ khoáng chất nên chúng rất dễ mắc bệnh còi cọc, phát triển èo uột, lúc bệnh này, lúc bệnh khác mà không rõ nguyên nhân.
PGS Côn phân tích: Các enzyme, chất truyền dẫn thần kinh có cấu tạo dạng phức mà nhân là các kim loại. Dù hàm lượng kim loại này là rất ít, thậm chí cực thấp (mà người ta hay gọi là vi lượng) nhưng chúng có vai trò rất quan trọng không thể thiếu để cấu tạo các chất trên. Nếu thiếu chúng, cấu thành và hoạt động các enzyme, chất truyền dẫn sẽ bị phá tung hoặc phát triển lệch lạc dẫn đến sinh bệnh.
Nước đun sôi là nhất
Theo TS Hoan, quan niệm của nhiều chị em nội trợ cho rằng sử dụng nước tinh khiết là tiết kiệm và tiện lợi là rất sai lầm. Giá nước tinh khiết đóng chai hiện nay giao động khoảng 18-25.000 đồng/bình. Giá này cao hơn rất nhiều so với việc sử dụng nước máy, nước giếng đun sôi để nguội.
TS Hoan kết luận: Cách tốt nhất là sử dụng nước đun sôi để nguội. Vừa đủ chất vừa sạch vừa rẻ. Tuy nhiên, cần nói thêm rằng, nước máy, nước giếng ở đây là phải nước “sạch”, nước không bị nhiễm asen, nhiễm sắt…. Trong trường hợp nước máy không đảm bảo được yêu cầu về khoáng chất hoặc bị nhiễm asen…, người dân có thể làm giàn phun mưa để lọc hoặc mua các loại máy lọc có bán trên thị trường.
Đây cũng là lời khuyên của PGS.TS Trần Hồng Côn. Ông cho rằng, nếu có nguồn nước máy đảm bảo đủ sạch thì chỉ cần tiệt khuẩn bằng hợp chất nano bạc hay chiếu tia UV là có thể uống ngay. Còn trong điều kiện bình dân, "cứ đun sôi uống để vài ngày vẫn yên tâm, trừ khi bạn mở nắp, để quá lâu thì nước sẽ nhiễm khuẩn trở lại” - PGS Côn khẳng định.