Trao đổi với dược sĩ Nguyễn Thị Từ Minh - phó khoa vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM: * Thưa dược sĩ, vì sao trong nước sinh hoạt cần có clo dư?
- Clo là hóa chất khử trùng chủ yếu sử dụng trong hệ thống cung cấp nước cộng đồng cỡ nhỏ ở nhiều quốc gia. Việc khử trùng nước uống nhằm ngăn cản các bệnh lan truyền qua đường nước. Clo có ưu điểm hơn hẳn các chất khử trùng khác là để lại một lượng clo thừa sau khử trùng có tác dụng ngăn ngừa sự tái nhiễm của vi khuẩn trong quá trình phân phối, vận chuyển và trữ nước tại nhà. Trong một số trường hợp, thiếu clo thừa trong hệ thống phân phối có thể gây ô nhiễm sau xử lý.
* Hàm lượng clo dư trong nước không đủ tiêu chuẩn ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
- Nước có hàm lượng clo thấp dưới tiêu chuẩn (0,3mg/lít) dễ bị nhiễm vi sinh. Tùy cấp độ, người uống nước này có thể bị đau bụng, tiêu chảy...
Ngược lại, nước có hàm lượng clo vượt quá tiêu chuẩn (0,5mg/lít) có thể gây ngộ độc. Tùy theo nồng độ, thời gian tiếp xúc mà mức độ ảnh hưởng khác nhau. Các triệu chứng lâm sàng của người bị nhiễm độc clo cấp tính là: ho, khó thở, đau ngực, phù phổi... Nếu ngửi lâu có thể gây tổn thương đường hô hấp. Tiếp xúc lâu với mắt có thể gây tổn thương giác mạc.
* Người dân phải xử lý như thế nào trong tình trạng nước bẩn?
- Nước mới lấy trong vòi không nên dùng ngay, nên chứa nước lại trong thau sạch, quậy nhiều lần và lắng kỹ. Tốt nhất là dùng nước đun sôi.
Trong trường hợp nước có mùi lạ, vị lạ, người dân nên đến kiểm tra tại Trung tâm Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh y tế công cộng, Viện Pasteur hoặc Trung tâm Dịch vụ phân tích thí nghiệm TP.HCM.
* Cám ơn dược sĩ.