Ngâm chân là một trong những cách đơn giản giúp bạn phòng tránh bệnh tật và giữ cơ thể khỏe mạnh.
Cho dù mùa nóng hay mùa lạnh, các nhà nghiên cứu vẫn khuyên chúng ta nên ngâm châm mỗi ngày để hạn chế bệnh tật. Bạn không thể có được một giấc ngủ ngon nếu đôi chân bị lạnh. Bởi lẽ, chân lạnh có thể khiến toàn thân bị lạnh do kinh mạch của thận và tỳ vị bắt nguồn từ chân nhưng do chân nằm xa tim nên thời gian để máu vận chuyển tới đây lâu hơn so với các cơ quan khác. Điều này có thể khiến chân bị thiếu hụt máu và rất dễ nhiễm lạnh.
Bàn chân bị lạnh dễ khiến cơ thể bị lạnh
Trong thời tiết giá rét, nhiều người phòng lạnh cho chân bằng cách đi tất, thậm chí sử dụng các loại tất có chất liệu rất dày và đi cả ngày, kể cả khi ngủ. Tuy nhiên, thực tế thì thói quen này không hề tốt cho chân bởi vì chân sẽ không được thoáng khí. Đặc biệt là sau khi bạn rửa chân xong, chỉ lau khô và đi tất ngay dễ khiến chân bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Đây cũng là lý do vì sao một số người thường bị bệnh nấm chân vào mùa lạnh.
Ngâm chân có tác dụng gì?
Mục đích của ngâm chân là để giữ ấm cho chân, tạo điều kiện cho quá trình lưu thông máu được dễ dàng và giúp chân được thoải mái.
Ngâm chân giúp đường máu vận chuyển trong cơ thể được khai thông, điều chỉnh huyết áp, loại bỏ hàn khí (khí lạnh) và chất độc. Nhờ đó, bạn tránh được bệnh tật, ngủ ngon hơn và đôi chân luôn được khỏe mạnh.
Sau khi ngâm chân có thể mát xa cho chân để tăng hiệu quả chữa bệnh
Những người bị mất ngủ, thần kinh suy nhược, đau mỏi xương khớp, đau lưng, đau dạ dày... đều có thể sử dụng ngâm chân để cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, việc ngâm chân không được thực hiện bừa bãi mà phải đảm bảo một số nguyên tắc sau:
1. Không ngâm chân trước và sau khi ăn một tiếng. Nên chọn thời gian khoảng 4 đến 5 giờ chiều hoặc 9 giờ tối để ngâm chân. Bạn có thể lựa chọn ngâm chân từ 10 đến 15 phút.
2. Tăng dần nhiệt độ từ lúc mới ngâm cho đến khi cơ thể thấy ấm lên. Không nên cho nước ấm ngay từ đầu và nước quá nóng. Sau khi ngâm chân cần lau khô để đảm bảo không có nước đọng lại ở kẽ bàn chân gây ẩm ướt.
3. Nên cho nước vào chậu sao cho mực nước trên mắt cá chân khoảng 10 đến 15 cm. Bạn cũng có thể ngâm đến cẳng chân nếu muốn tăng tuần hoàn máu và phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch.
4. Nên dùng chậu hoặc thùng gỗ thay vì dùng đồ làm bằng chất liệu khác. Vì gỗ giúp hấp thụ các vị thuốc (như nước lá ngâm chân) hiệu quả hơn.
Sau khi ngâm, có thể mát xa chân để tăng hiệu quả. Nếu thấy cơ thể ấm lên và hơi ra mồ hôi nghĩa là đã có tác dụng. Ngoài ra, bạn cần uống nước (có thể trong khi hoặc sau khi ngâm chân), nhất là nước đường gừng để giữ cơ thể được ấm áp.
3 cách ngâm chân hiệu quả
Cách 1: Ngâm chân với nước gừng
Ngâm chân với gừng giúp bổ dương và loại bỏ hàn khí
Cho gừng đã được đập dẹp (không cần giã nhỏ) và hoa hồng vào miếng vải thưa. Sau đó thả vào nước và cho thêm một thìa cafe muối ăn vào để làm nước ngâm châm. Ngâm chân theo cách này rất hiệu quả trong việc bổ dương và loại bỏ khí lạnh.
Cách 2: Ngâm chân với nước hoa hồng
Ngâm chân với hoa hồng giúp trị chứng đau mỏi lưng
Chia 1 lạng hoa hồng thành 10 phần và cho riêng mỗi phần vào các tấm vải thưa, bọc lại rồi thả vào nước nóng. Sau đó, cho thêm một muỗng muối, xông chân trước rồi mới bắt đầu ngâm. Ngâm chân theo cách này có tác dụng chữa chứng đau mỏi lưng rất tốt.
Cách 3: Ngâm chân với nước ngải cứu
Ngâm chân với ngải cứu giúp trị chứng phong hàn
Chia 1 lạng lá ngải thành 5 phần và cho riêng mỗi phần vào các tấm vải thưa vào nồi nước đun sôi. Xông chân trước rồi sau đó mới ngâm chân. Cách này giúp trị chứng phong hàn, lạnh chân, mỏi lưng và bệnh hô hấp.
Trong quá trình ngâm chân, không phải ai cũng ra mồi hôi ngay từ lần đầu thực hiện. Do vậy, bạn cần kiên trì trong nhiều ngày và nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi quyết định lựa chọn một phương pháp phù hợp với mình để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Chúc bạn có được một đôi chân đẹp và một cơ thể khỏe mạnh với liệu pháp ngâm chân này!