Nước sạch rất cần thiết trong đời sống và sinh hoạt của con người. Thế nhưng, hiện nay chúng ta đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước sạchtừ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp và ngay cả trong sinh hoạt hằng ngày. Một khi nguồn nước bị ô nhiễm có thể gây ra một số bệnh nguy hiểm cho con người.
Nước được coi là nước sạch là nước phải trong, không có màu, không có mùi vị lạ gây khó chịu cho người sử dụng, không chứa các mầm bệnh và các chất độc hại. Ở nước ta có ba nguồn nước chính được người dân sử dụng, đó là: nguồn nước từ sông hồ, giếng khoan; nguồn nước mưa và nước đã qua xử lý tại các nhà máy (hay còn gọi là nước máy). Nước ngoài việc dùng để uống, chúng ta còn dùng nước để tắm, giặt, vệ sinh, chế biến thực phẩm,… Ngoài ra, nước còn được tiêu thụ với số lượng lớn trong nông nghiệp, công nghiệp và để cứu hỏa. Cho nên, nước rất cần thiết cho cuộc sống. Tuy nhiên, nước cũng là phương tiện lan truyền bệnh nếu nguồn nước ta sử dụng bị ô nhiễm.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, người dân chúng ta đang sử dụng nguồn nước không được tốt, chất lượng nước ngày càng xấu đi, lượng chất hữu cơ trong nước tăng, lượng ôxy hòa tan giảm. Nguyên nhân làm cho nguồn nước bị ô nhiễm có hai nguyên nhân chính, đó là, ô nhiễm do tự nhiên và ô nhiễm do con người mà ô nhiễm do con người là nguy cơ trực tiếp gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trong đó, đáng kể là chất thải, nước thải con người (như phân, nước, rác); chất thải, nước thải từ các nhà máy, khu chế xuất và việc khai thác các khoáng sản, mỏ dầu khí; chất thải khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; chất thải khu giết mổ, chế biến thực phẩm và nguy hại nhất là chất thải phóng xạ. Phần lớn lượng chất thải, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đều không được xử lý mà đổ thẳng vào các ao hồ, sau đó chảy ra các con sông lớn. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, các lò giết mổ và ngay cả một số bệnh viện cũng chưa được trang bị hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống xử lý này chưa đạt chuẩn. Do đó, nhiều ao hồ và sông ngòi bị ô nhiễm nặng - là nơi nuôi dưỡng mầm mống của dịch bệnh. Hiện nay, vẫn còn nhiều hộ dân sử dụng nước sông, ao hồ, kênh rạch để phục vụ sinh hoạt hàng ngày và khi người dân sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm có thể gây ra một số bệnh như: bệnh tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, giun sán, phụ khoa, viêm mắt, viêm da, ghẻ lở,… Có một số bệnh có thể lây lan nhanh thành dịch, gây thiệt hại lớn về sức khỏe, tiền bạc và thậm chí sinh mạng con người.
Nước rất cần thiết cho mỗi người chúng ta mà nước sạch lại là nguồn tài nguyên quý giá nhưng nó không phải là vô tận. Nếu con người không có sự nâng cao ý thức và chung tay bảo vệ nguồn nước thì việc ô nhiễm nước là điều tất yếu. Cho nên, mọi người chúng ta cần có ý thức bảo vệ và tiết kiệm nguồn nước sạch, bảo đảm nguồn nước sử dụng thật sạch để loại trừ các nguy cơ gây bệnh và các hóa chất độc hại xâm nhập vào cơ thể hàng ngày. Việc bảo quản nguồn nước sạch sẽ góp phần giảm dịch bệnh, từ đó người dân sẽ giảm được các chi phí khám chữa bệnh. Mặt khác, khi sức khỏe của người dân tốt hơn, họ sẽ có điều kiện để nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng cuộc sống của gia đình và bản thân...